Bệnh khô mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra khi nước mắt của bạn không thể cung cấp đủ chất bôi trơn cho mắt. Khô mắt là do khả năng tiết nước và việc thoát nước của mắt bị mất cân bằng. Khô mắt tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây nên triệu chứng như: mỏi mắt, đỏ, rát giảm hiệu suất làm việc. Trường hợp nghiêm trọng nhất người bệnh có thể dần dần giảm thị lực. Khi khô mắt, người bệnh thường có cảm giác mắt bỏng rát, nóng, mỏi mắt. Những biểu hiện thường thấy là nhìn mờ sau khi chớp mắt, chảy nước mắt liên tục, ra ghèn dử màu trắng ở 2 khóe mắt.
I. NGUYÊN NHÂN GÂY KHÔ MẮT?
Màng phim nước mắt là lớp màng nước mắt che phủ mặt trước giác mạc có tác dụng giữ cho giác mạc luôn ẩm, đồng thời tạo cho bề mặt lớp biểu mô giác mạc trơn láng. Ngoài ra, màng phim nước mắt cũng giúp dinh dưỡng cho lớp biểu mô giác mạc và duy trì tính ổn định cũng như hàn gắn lớp biểu mô giác mạc khi lớp này bị tổn thương.
Màng phim nước mắt được cấu tạo bằng ba lớp:
- Một lớp lipid bên ngoài
- Một lớp nước ở giữa
- Một lớp chất nhầy trong cùng
- Mỗi lớp của màng nước mắt đều có những tác dụng khác nhau.
Lớp lipid bên ngoài của màng nước mắt làm cho bề mặt nước mắt mịn và giữ cho nước mắt không bị khô quá nhanh. Lớp này được tạo ra từ các tuyến meibomius của mắt. Chức năng của lớp lipid này là ngăn chặn quá trình bốc hơi của lớp nước và duy trì độ dày của màng phim nước mắt.Chúng hoạt động giống như chất hoạt động bề mặt (surfactant) giúp dàn đều lớp màng phim nước mắt.Thiếu hụt lớp lipid này gây ra khô mắt do bốc hơi nước nhanh.
Lớp nước ở giữa màng nước mắt tạo nên nước mắt mà chúng ta thấy. Lớp nước này có tác dụng làm sạch mắt,tạo môi trường giàu oxy cho lớp biểu mô giác mạc, chống nhiễm khuẩn thông qua vai trò của các protein như IgA, lysozyme và lactoferrin, loại bỏ các chất cặn bã và các kích thích có hại, tạo điều kiện cho bạch cầu di chuyển tới nơi bị tổn thương, tạo bề mặt trơn láng cho giác mạc. Lớp này xuất phát từ tuyến lệ ở mi mắt .
Lớp chất nhầy là lớp trong cùng của màng nước mắt, có vai trò tạo môi trường ẩm ướt cho bề mặt nhãn cầu, giúp làm trơn láng bề mặt nhãn cầu. Chất nhầy là những glycoprotein có trọng lượng phân tử cao, bao gồm loại dạng keo không tan và dạng có thể tan được.Trong trường hợp có tổn thương ở những tế bào biểu mô này sẽ ngăn cản sự hình thành màng phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu. Hay nói cách khác nếu không có lớp chất nhầy này, nước mắt sẽ không thể giữ trên bề mặt của nhãn cầu.
Bình thường, mắt của chúng ta liên tục tiết ra nước mắt để giữ ẩm. Nếu mắt chúng ta bị kích thích hoặc khóc, mắt của chúng ta sẽ tiết ra nhiều nước mắt hơn. Tuy nhiên, đôi khi có những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiết nước và việc thoát nước của mắt bị mất cân bằng sẽ gây nên hiện tượng khô mắt.
Có rất nhiều lý do dẫn đến rối loạn chức năng của màng nước mắt như :sự thay đổi hormone, bệnh tự miễn, tuyến mí mắt bị viêm hoặc bệnh mắt dị ứng. Đối với một số người, nguyên nhân gây khô mắt là do giảm tiết nước mắt hoặc tăng bốc hơi nước mắt.
II.NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO CÓ NGUY CƠ CAO BỊ KHÔ MẮT?
Khô mắt thường hay gặp ở những người:
- Trên 50 tuổi: sự lão hóa khiến mắt có xu hướng tiết ít nước mắt hơn do thay đổi nội tiết tố. Cả nam và nữ đều có thể bị khô mắt. Tuy nhiên, nó phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt nếu họ bị thay đổi nội tiết tố do quá trình mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc mãn kinh.
- Thiếu hụt vitamin A trong quá trình ăn uống, vitamin A có trong gan, cà rốt,bông cải xanh, hoặc ít axit béo omega-3, cá, quả óc chó và dầu thực vật…
- Người mắc một số bệnh lý như: viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp và lupus.
- Viêm bờ mi (khi mí mắt bị sưng hoặc đỏ).
- Sinh hoạt, làm việc trong điều kiện môi trường khói bụi hoặc khí hậu gió, rất khô.
- Nhìn lâu vào màn hình máy tính, điện thoại, đọc sách và các hoạt động khác ít có sự chớp mắt.
- Sử dụng kính áp tròng trong thời gian dài hoặc có tiền sử phẫu thuật khúc xạ( chẳng hạn như LASIK).
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như:Thuốc lợi tiểu cho bệnh cao huyết áp; thuốc chẹn beta, dành cho các vấn đề về tim hoặc huyết áp cao; thuốc trị dị ứng và cảm lạnh (thuốc kháng histamin); thuốc ngủ; thuốc chống lo âu và chống trầm cảm; thuốc trị ợ chua…
- Một số bệnh ảnh hưởng đến sự khép mở mí mắt như: hở mi, lật mi…
III. MỘT SỐ BIẾN CHỨNG CỦA KHÔ MẮT
Hầu hết những trường hợp bị khô mắt không có biến chứng lâu dài nào. Tuy nhiên nếu không được điều trị, khô mắt nặng có thể dẫn đến khô mắt mãn tính, dần dần gây giảm thị lực nghiêm trọng. Những biến chứng thường gặp của khô mắt thường gặp như:
Nhiễm trùng mắt: Nước mắt của bạn bảo vệ bề mặt của mắt bạn khỏi bị nhiễm trùng. Nếu không có đủ nước mắt, bạn có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
Chất lượng cuộc sống giảm sút: Khô mắt có thể gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, gây khó chịu như cảm giác bỏng rát, nóng, mỏi mắt.. thậm chí giảm thị lực.
Trong thời gian dài, nếu không được chữa trị, khô mắt sẽ dẫn đến các biến chứng như đỏ mắt và đau nhức thường xuyên, gây ra viêm kết mạc, nhiễm trùng, trầy xước, tổn thương giác mạc do hành động dụi mắt nhiều. Về lâu dài, khô mắt không được điều trị kịp thời sẽ còn dẫn đến việc phải phụ thuộc vào các loại thuốc hỗ trợ, biến chứng viêm sẽ tái lại nhiều lần.
IV. KHÔ MẮT – CẦN KHÁM NHƯ THẾ NÀO?
Để chẩn đoán tình trạng khô mắt, bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện một số xét nghiệm truyền thống được sử dụng để đánh giá số lượng và chất lượng nước mắt cũng như kiểm tra tình trạng giác mạc và kết mạc. Những xét nghiệm này bao gồm:
Khám mắt toàn diện: Việc khai thác tiền sử đầy đủ về sức khỏe tổng thể và sức khỏe mắt của bạn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây khô mắt của bạn.
Schirmer test: Xét nghiệm này được sử dụng để đánh giá số lượng nước mắt sản xuất ra được. Dải giấy thẩm thấu nhỏ được dán vào mi dưới và lấy ra sau năm phút. Khi lấy dải giấy ra, phần thấm nước được đo bằng milimet.
Fluorescein/TBUT test: Xét nghiệm này được dùng để đánh giá thời gian vỡ phim nước mắt (TBUT) để đo chỉ thị sự ổn định nước mắt, được thực hiện bằng cách nhuộm fluorescein phim nước mắt. Bệnh nhân được yêu cầu chớp mắt vài lần để trải đều fluorescein, rồi ngưng chớp. Thời gian được tính cho tới khi phim nước mắt bắt đầu vỡ ra, với những điểm khô xuất hiện trên bề mặt giác mạc. Thời gian vỡ phim nước mắt giảm ở bệnh nhân khô mắt (TBUT bình thường là ít nhất mười giây). Đối với xét nghiệm bất thường, tiết chất nhầy từ các tế bào hình đài hoặc tiết lipid từ tuyến meibomian có thể là nguyên nhân, mặc dù TBUT cũng có thể chỉ ra vấn đề với nước của nước mắt.
Nhuộm hồng Bengal và xét nghiệm green lissamine: Những xét nghiệm ‘màu’ này được sử dụng để đánh giá sức khỏe của các tế bào biểu mô kết mạc. Nhuộm hồng Bengal sẽ kiểm tra các tế bào có bao phủ chấy nhầy đầy đủ không, trong khi green lassamine tiết lộ các tế bào đang trong quá trình thoái hóa.
Xét nghiệm độ trong suốt nước mắt: Bằng cách phân tích khả năng mắt làm sạch một lượng nhuộm fluorescein chính xác từ bề mặt, xét nghiệm này đánh giá “vòng tuần hoàn nước mắt,” hay là tính hiệu quả của mắt thải bỏ nước mắt cũ và cung cấp bổ sung nước mắt mới. Nó cũng cho thấy sản xuất nước mắt bất thường và rối loạn tuyến bờ mi.
MRI và những xét nghiệm đặc biệt khác: Vì nhiều lý do, bác sỹ có thể quyết định thực hiện một số xét nghiệm khác. Có thể là xét nghiệm máu để tìm hội chứng Sjogren, lupus, tiểu đường, hoặc những bệnh khác. Bác sĩ có thể cho chụp CT hoặc MRI nếu nghi ngờ nguyên nhân khô mắt ít phổ biến hơn như khối u ở hệ thống tuyến nước mắt hoặc bệnh cường giáp.
IV. ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA KHÔ MẮT RA SAO?
Khô mắt là một hội chứng mạn tính, rất khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng một số phương pháp điều trị giúp giữ gìn cho đôi mắt bạn khỏe mạnh, dễ chịu hơn và duy trì thị lực tốt nhất. Các phương pháp để điều trị khô mắt gồm: bổ sung nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu, làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.
- Bổ sung nước mắt nhân tạo: Các trường hợp khô mắt nhẹ có thể điều trị bằng cách tra nước mắt nhân tạo và có thể sử dụng thường xuyên được. Tốt nhất nên sử dụng các loại nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản vì chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên những trường hợp khô mắt vừa và nặng việc sử dụng nước mắt nhân tạo thay thế là không đủ, và cần có các phương pháp khác bổ sung.
- Duy trì lớp màng nước mắt: Một phương pháp để làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô mắt là giữ nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt. Vấn đề này có thể thực hiện bằng cách ngăn không cho nước mắt chảy qua đường lệ bằng các cách như: Nút các điểm lệ bằng nút Silicon; phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn.
- Làm tăng tiết nước mắt: Có thể sử dụng các thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt do bác sĩ nhãn khoa kê đơn.
- Điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu: Cần sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt theo đơn của bác sĩ nhãn khoa. Các phương pháp như chườm ấm, massage mí mắt, rửa sạch mi mắt sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm quanh mắt.
Ngoài ra, có một số mẹo giúp bạn có thể phòng ngừa khô mắt như:
- Nháy mắt, chớp mắt thường xuyên khi đọc sách hoặc sử dụng máy tính trong thời gian dài.
- Làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc.
- Sử dụng kính bảo hộ khi đi ra ngoài để làm giảm tác hại của nắng và gió.
- Bổ sung một số vitamin tự nhiên có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa của bạn để có chế độ ăn uống bổ sung vitamin hợp lý.
- Hãy uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 2 lít nước mỗi ngày).
- Thường xuyên khám mắt định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa mắt.
Với những thông tin về bệnh khô mắt mới nhất trên đây hy vọng đã giúp bạn có thêm được kiến thức hữu ích. Bên cạnh đó bạn cũng nên thường xuyên khám mắt định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa Mắt uy tín.
CẢM ƠN bạn đã xem bài viết, hy vọng mang lại thông tin hữu ích về sức khỏe mắt cho bạn và người thân. Cần hỗ trợ tư vấn các tật khúc xạ và các bệnh lý về mắt vui lòng liên hệ: TẠI ĐÂY