Y học hiện đại sử dụng laser quang đông trong điều trị thoái hóa võng mạc cận thị nặng. Biện pháp này đã được ứng dụng vào ngành nhãn khoa từ hơn nửa thế kỷ trước để điều trị các bệnh lý đáy mắt như bệnh võng mạc đái tháo đường, thoái hóa võng mạc cận thị, các vết rách võng mạc, bệnh võng mạc trẻ sinh non…
Trong sự tiến triển của cận thị, mắt càng cận nặng, càng có nguy cơ nguy hiểm là mất thị lực, mất vùng nhìn nghiêm trọng do bong võng mạc (bong lớp màng thần kinh cực mỏng ở đáy mắt). Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bong võng mạc của một người cận thị nói chung là 0.2%, và tăng gấp 7 lần ở một người cận thị nặng từ 9 độ trở lên. Một trong những yếu tố gây bong võng mạc là các thoái hóa võng mạc do cận thị, mặc dù tỉ lệ cao hơn ở người cận nặng, nhưng thoái hóa võng mạc do cận thị xảy ra khá thường xuyên ở người cận trung bình và ít hơn ở người cận nhẹ.
1. Vì sao người cận thị lại có nguy cơ bong võng mạc?
Ở người cận thị, trục nhãn cầu thường dài hơn so với bình thường, tạo ra lực kéo căng mạn tính lên khối dịch nội nhãn và lớp võng mạc. Tình trạng này lâu dần sẽ dẫn đến sự thoái hóa của lớp võng mạc và nguy cơ bong tách ra của khối dịch nội nhãn bên trong. Kết quả có thể tạo ra các điểm rạn nứt ở những nơi mỏng manh nhất trên võng mạc, là tiền đề hình thành lỗ rách, dẫn đến bong võng mạc.
2. Liệu có các triệu chứng để cảnh báo nguy cơ bong võng mạc?
Trước khi bong võng mạc xảy ra, thường có các triệu chứng báo động như đột ngột nhìn thấy hiện tượng ruồi bay, hoa mắt với những chấm nhỏ nhấp nháy thoảng qua (khi khối dịch nội nhãn bắt đầu bong ra, tác động co kéo lớp võng mạc liền kề). Khi võng mạc rách, có thể kèm theo xuất huyết nội nhãn, người bệnh có thể thấy những chấm đen như mưa bồ hóng hoặc đám đen dày đặc. Đến khi võng mạc bị đẩy bong lên thì sức nhìn sẽ giảm đột ngột và bị mất vùng nhìn tương ứng.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vết rách trên võng mạc đều có triệu chứng báo động đi kèm. Do đó, việc khám mắt định kỳ hằng năm là hết sức cần thiết để có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ cao gây bong võng mạc. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ hơn và có xử trí thích hợp khi cần thiết.
3. Hiện nay đã có biện pháp phòng ngừa hay điều trị hiệu quả chưa?
Y học hiện đại sử dụng laser quang đông. Biện pháp này đã được ứng dụng vào ngành mắt từ hơn nửa thế kỷ trước để điều trị các bệnh lý đáy mắt như bệnh võng mạc đái tháo đường, thoái hóa võng mạc cận thị, các vết rách võng mạc, bệnh võng mạc trẻ sinh non… Dựa trên nguyên tắc dùng nhiệt (được chuyển dạng từ năng lượng bức xạ) làm đông hủy mô có chủ đích, tia laser sẽ tạo ra các điểm sẹo trên võng mạc quanh tổn thương, nhằm làm cho lớp màng thần kinh này được áp dính xuống bên dưới, tránh bị tụ dịch đẩy bong lên. Đây là phương pháp có độ chính xác cao, không cần vào phòng mổ, không gây chảy máu, chỉ cần nhỏ tê trước khi thực hiện. Sau khi chiếu laser quang đông, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày và sinh hoạt bình thường, không cần nằm viện theo dõi.
4. Thị lực được cải thiện ra sao sau khi laser quang đông?
Mục đích chính của việc chiếu laser trong thoái hóa võng mạc cận thị không nhằm cải thiện thị lực mà dùng để giảm thiểu từ trước nguy cơ mất thị lực, mất vùng nhìn không hồi phục do bong võng mạc.Về lý thuyết, bất kỳ những chấn thương, va đập vào mắt hoặc ngay cả những lực nhẹ tác động lên nhãn cầu trong quá trình phẫu thuật mắt đều có thể làm tăng khả năng gây bong võng mạc. Do đó, trong một số trường hợp nguy cơ cao, người bệnh sẽ được chỉ định cho chiếu laser quang đông võng mạc phòng ngừa trước cuộc phẫu thuật nhằm tăng mức độ an toàn cho bệnh nhân sau mổ. Tuy không thể phòng tránh được hoàn toàn biến cố bong võng mạc, nhưng việc chiếu laser sẽ giúp hạn chế nguy cơ, khu trú diện tích vùng bong võng mạc và giúp bảo tồn thị lực trung tâm cho người bệnh.
5. Tác dụng phụ của Laser quang đông có thể gặp là gì?
Laser quang đông võng mạc tuy an toàn nhưng, cũng như bất kỳ thủ thuật khác, vẫn có những tác dụng phụ hoặc biến chứng không mong muốn như: giảm cảm thụ thị giác ban đêm và cảm nhận màu sắc, mất thị lực thoáng qua, ảnh hưởng một phần vùng nhìn, xuất huyết thoáng qua…
Việc chiếu tia laser có thể sẽ được chia thành nhiều đợt khác nhau nếu khu vực cần chiếu tương đối rộng. Đối với thai phụ, phương pháp này vẫn có thể áp dụng, nhưng sẽ tránh chiếu laser sau thời điểm 35 tuần của thai kỳ.
Với những thông tin về Laser Quang Đông dành cho mắt cận thị nặng mới nhất trên đây hy vọng đã giúp bạn có thêm được kiến thức hữu ích và lựa chọn được một phương pháp mổ mắt phù hợp nhất cho bản thân và người thân của mình. Bên cạnh đó bạn cũng nên thường xuyên khám mắt định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa Mắt uy tín.
CẢM ƠN bạn đã xem bài viết, hy vọng mang lại thông tin hữu ích về sức khỏe mắt cho bạn và người thân. Cần hỗ trợ tư vấn các tật khúc xạ và các bệnh lý về mắt vui lòng liên hệ: TẠI ĐÂY